CÁC YẾU TỐ CỦA MỘT MÔI TRƯỜNG MONTESSORI

Một ngôi trường Montessori luôn phải đề cao yếu tố môi trường bởi vì các bé học ngôn ngữ và các kỹ năng cơ bản qua việc tiếp xúc với môi trường xung quanh. Nên việc tạo dựng cho bé được một môi trường học tập mà tại đây sự tự do được đề cao nhưng vẫn có trật tự và cấu trúc rõ ràng là rất cần thiết. Bên cạnh đó, môi trường học tập phải luôn sạch sẽ, mang tính xã hội cao và ớng đến những giá trị t nhiên, thực tế.

1.      Đề cao sự tự do

Theo bà Maria Montessori, bà tin rằng một đứa trẻ cần được tự do khám phá và làm theo sự thúc đẩy tự nhiên của bản thân để phát triển tiềm năng của trẻ và tăng vốn hiểu biết về thế giới xung quanh.

Trong môi trường được chuẩn bị, trẻ được tự do vận động, tự do khám phá, tự do tương tác xã hội, tự do chọn lựa.

2.      Có trật tự, cấu trúc rõ ràng

Mặc dù trẻ có sự tự do trong lớp học tuy nhiên sự tự do này nằm trong khuôn khổ và giới hạn nhất định cho phép. Sử dụng môi trường lớp học Montessori là một mô hình thu nhỏ của vũ trụ, những đứa trẻ bắt đầu hiểu về sự trật tự của môi trường xung quanh , hiểu thêm về thế giới trẻ đang sống.

Bà Montessori khẳng định rằng có một khoảng thời gian nhạy cảm đối với trật tự trong độ tuổi từ một đến ba. Đây là thời gian đứa trẻ hiểu biết thế giới, rút ra kết luận về thế giới xung quanh. Nếu không có sự trật tự này, trẻ sẽ cảm thấy mơ hồ và khó hiểu về môi trường trẻ đang sống.

Trong môi trường lớp học, mọi sự thay đổi cần được cân nhắc kĩ lưỡng. Các sự kiện trong lớp học phải được thông báo trước cho trẻ. Do vậy trẻ sẽ cảm thấy an toàn và được tôn trọng.

3.      Môi trường sạch đẹp

Môi trường học tập cần được bố trí đẹp mắt và hấp dẫn. Dù lớp học nằm trong một căn nhà cũ hay trong một toà nhà hiện đại thì vẫn cần đảm bảo lớp học hài hoà, đơn giản, ngăn nắp. Không gian lớp học cần phản ánh sự yên bình và mời gọi trẻ tham gia các hoạt động học tập.

Không khí học tập dễ dàng được phát hiện bằng việc quan sát thái độ tham gia của cả người lớn và trẻ em trong lớp học.

Bên cạnh đó, lớp học cũng đem lại cho trẻ cảm giác thoải mái với những đồ dùng vừa kích cỡ, bắt gặp những hoạt động gần gũi như ở nhà. Tất cả những yếu tố này sẽ khiến trẻ hứng thú học tập.

4.      Hướng đến những giá trị tự nhiên và thực tế

Bà Montessori cho trằng chúng ta nên dùng thiên nhiên để truyền cảm hứng học tập cho trẻ. Thay vì sử dụng duy nhất chất liệu nhựa tổng hợp, cần cố gắng đưa vào môi trường các loại chất liệu tự nhiên khác nhau như gỗ, mây, tre, bông, vải, thuỷ tinh… Trẻ sẽ có kiến thức về vật chất trên thế giới.

Thay vì chỉ ngồi và lắng nghe như cách học truyền thống, trẻ sẽ có những trải nghiệm thực sự với giáo cụ, được làm những công việc sau khi được giáo viên hướng dẫn. Lớp học sẽ không trang trí màu mè bằng những hình ảnh hoạt hình hay những hình ảnh không có ý nghĩa vì có thể gây ra sự xao nhãng của trẻ trong lúc học tập. Cây xanh, lọ hoa, một số đồ vật liên quan đến văn hóa sẽ được trang trí làm tăng tính thẩm mỹ của lớp.

5.      Hướng tới một môi trường mang tính xã hội cao

Trẻ có sự tự do tương tác vì vậy trẻ được khuyến khích phát triển sự đồng cảm. Với đặc điểm lớp học trộn độ tuổi, trẻ sẽ có cơ hội được tiếp xúc với bạn bè có những khả năng và tính cách khác nhau. Trong lớp học, các anh chị lớn tuổi sẽ giúp đỡ những em bé, những em bé cũng sẽ học hỏi từ anh chị lớn hơn một cách tự nhiên và có niềm tin rằng một ngày nào đó mình cũng sẽ làm được những điều như anh chị lớn hơn có thể.